Tên gọi Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định qua trăm năm

Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định – Những địa danh trở lại bản đồ hành chính sau hàng chục năm vắng bóng

Mặc dù đã biến mất khỏi bản đồ hành chính từ nhiều thập kỷ qua, những cái tên như Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định vẫn hiện diện trong tâm trí, đời sống và văn hóa của người dân TP HCM. Giờ đây, ba địa danh này đang đứng trước cơ hội trở lại một cách chính thức, khi được đề xuất đặt tên cho các phường mới thuộc quận 1, quận 5 và quận Bình Thạnh, trong phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của thành phố.

Nếu đề xuất được thông qua, đây sẽ là lần đầu tiên kể từ ngày 2/7/1976 – thời điểm TP Sài Gòn – Gia Định được đổi tên thành TP HCM – những địa danh gắn liền với chiều sâu lịch sử này chính thức hiện diện trở lại trên bản đồ hành chính.

Sài Gòn – Tên gọi hơn 300 năm tuổi

Địa danh “Sài Gòn” lần đầu được ghi nhận trong tác phẩm Phủ biên tạp lục (1776) của Lê Quý Đôn. Ông viết: “Năm 1674, Thống suất Nguyễn Dương Lâm vâng lệnh chúa Nguyễn đánh Cao Miên và phá vỡ lũy Sài Gòn (âm Hán Việt là Sài Côn)”. Tuy nhiên, nguồn gốc tên gọi này vẫn còn nhiều tranh cãi.

Trong từ điển thành phố Sài Gòn – Hồ Chí Minh (2001), các học giả đã đưa ra ít nhất 5 giả thuyết: từ “Thầy Gòn”, “Đê Ngạn” (hoặc “Đề Ngạn”) theo Vương Hồng Sển, “Tây Cống” (học giả Pháp Louis Malleret), từ “Củi Gòn” hoặc “Cây Gòn” (Huỳnh Tịnh Của), và các tên gọi gốc Khmer như “Prey Kor”, “Prey Nokor” hay “Brai Nagara”, mang nghĩa “thị trấn giữa rừng”.

Tên gọi Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định qua trăm năm
Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn (nằm ở phường Bến Nghé, nơi dự tính thay đổi tên thành phường Sài Gòn) những năm đầu thế kỷ 20 và lúc chưa tiến hành tu sửa.

Chợ Lớn – Một đô thị lịch sử

Chợ Lớn từng là một thành phố độc lập, với ranh giới hình thành từ năm 1865, bao quanh bởi các rạch Tàu Hủ, Lò Gốm và đường Hồng Bàng hiện nay. Đến ngày 20/10/1879, Thống đốc Nam Kỳ chính thức ký nghị định thành lập thành phố Chợ Lớn – một đô thị loại II.

Việc sáp nhập Sài Gòn và Chợ Lớn đã được người Pháp tính đến từ năm 1880, song phải đến ngày 27/4/1931, Tổng thống Pháp mới ban hành sắc lệnh hợp nhất hai thành phố thành Région de Saigon – Cholon (Khu Sài Gòn – Chợ Lớn). Tuy nhiên, mãi đến năm 1950, nhờ sự phát triển đô thị mạnh mẽ, hai khu vực này mới thật sự liền kề, tạo nên một thể thống nhất.

Năm 1951, vùng đô thị hợp nhất được đổi tên thành Đô thành Sài Gòn – Chợ Lớn, và đến 1956 được rút gọn thành Đô thành Sài Gòn. Từ đó, Chợ Lớn trở lại mang tính khu vực, thường chỉ các quận 5 và 6.

Tên gọi Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định qua trăm năm
Chợ Bình Tây, thuộc khu vực Chợ Lớn, những năm 1930 gần như không thay đổi so với hiện nay

Gia Định – Vùng đất ổn định và lâu đời

Khác với Sài Gòn và Chợ Lớn, Gia Định từ đầu đã là một đơn vị hành chính chính thức, với tên gọi “phủ Gia Định”, mang ý nghĩa của một vùng đất ổn định, đã được quy củ hóa. Tỉnh Gia Định được thành lập năm 1836, và sau khi Pháp chiếm Nam Kỳ, được chia tách thành nhiều đơn vị nhỏ hơn như Chợ Lớn (khác với thành phố Chợ Lớn), Tân An, Tây Ninh, Gò Công…

Đến năm 1900, Gia Định là một trong 20 tỉnh của Nam Kỳ. Năm 1956, tỉnh Gia Định tiếp tục được chia nhỏ và bao quanh Đô thành Sài Gòn, gồm các quận huyện Gò Vấp, Tân Bình, Hóc Môn, Thủ Đức, Nhà Bè, Bình Chánh, Quảng Xuyên và Cần Giờ.

Tháng 5/1975, sau khi thống nhất đất nước, tỉnh Gia Định (trừ Cần Giờ) cùng với một phần các tỉnh lân cận như Long An, Bình Dương, Hậu Nghĩa sáp nhập vào Đô thành Sài Gòn, hình thành TP Sài Gòn – Gia Định. Một năm sau, vào ngày 2/7/1976, tên gọi TP HCM chính thức được công bố, đánh dấu sự “biến mất” của cái tên Gia Định trên bản đồ hành chính.

Tên gọi Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định qua trăm năm
Tàu lửa đi trên đường Bùi Hữu Nghĩa để ra ga Gia Định, hay còn gọi ga Bà Chiểu (nay thuộc quận Bình Thạnh) những thập niên đầu thế kỷ 20

Giữ gìn di sản trong lòng người dân

Dù không còn là đơn vị hành chính chính thức, ba địa danh này vẫn sống động trong tâm thức người dân qua các tên gọi quen thuộc như: sông Sài Gòn, chợ Chợ Lớn, bệnh viện Gia Định… Cùng với đó là hàng loạt thương hiệu gắn với tên xưa như bia Sài Gòn, thuốc lá Sài Gòn, siêu thị Chợ Lớn, trường học, và cả cộng đồng người Việt ở nước ngoài vẫn sử dụng những tên gọi này để gợi nhớ quê hương.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Lợi cho rằng, đề xuất khôi phục ba địa danh cổ qua việc đặt tên phường thể hiện thiện ý của chính quyền trong việc lưu giữ di sản. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ sự băn khoăn rằng khi gắn các tên gọi mang tính biểu tượng này vào những phường nhỏ, chúng có thể bị “khu biệt”, mất đi ý nghĩa rộng lớn vốn có với nhiều thế hệ người dân.

Ông Lợi đề xuất, thay vì đưa các tên này vào hệ thống hành chính, chính quyền có thể phát huy giá trị của chúng qua các hoạt động văn hóa, du lịch, nghệ thuật hay các sản phẩm thương hiệu – nơi tâm thức cộng đồng sẽ là nơi lưu giữ vững bền nhất những giá trị ấy.

Tên gọi là biểu tượng – nhưng đô thị là con người và lịch sử

KTS Ngô Anh Vũ, Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng TP HCM, cho rằng việc dùng các địa danh gắn với lịch sử làm tên phường là một cách để nhắc nhớ về cội nguồn, nhưng không làm thay đổi bản chất của khu đô thị.

Ông nói: “Tên gọi chỉ là một phần của đô thị. Điều làm nên bản chất đô thị là con người, hạ tầng, tự nhiên, văn hóa, lịch sử… Việc một phường mang tên Sài Gòn, Chợ Lớn hay Gia Định không có nghĩa toàn bộ giá trị của địa danh đó bị giới hạn trong phường ấy”. Ông nhấn mạnh, cũng như khi nhắc đến Nha Trang hay Đà Lạt, không ai đi kèm với tên phường – chính cái tên tự thân đã đủ để gợi mở hình ảnh về cả vùng đất.

Xem thêm các tin tức sự kiện nổi bật
📞 Liên hệ
🔗 Website tương tự

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *