Tổng thống Donald Trump còn nhiều “vũ khí” tài chính sau đòn thuế đối ứng?

Mỹ có thể tận dụng “vũ khí tài chính” để gây sức ép thương mại

Dù các sắc thuế mới của Tổng thống Donald Trump vừa được ký ban hành chưa lâu, nhiều chuyên gia và giới quan sát quốc tế đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ Washington sẽ sử dụng các công cụ tài chính mạnh mẽ để tăng cường áp lực lên các đối tác thương mại.

Thuế mới của Tổng thống Donald Trump
Tổng thống Donald Trump công bố kế hoạch áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu tại Vườn Hồng ở Nhà Trắng.

Là nền kinh tế lớn nhất thế giới và trung tâm tài chính toàn cầu, Mỹ nắm trong tay nhiều “vũ khí” có thể tác động sâu rộng đến các quốc gia khác, từ quyền kiểm soát dòng chảy USD toàn cầu, ảnh hưởng tới hệ thống thanh toán quốc tế, cho đến các kênh hỗ trợ thanh khoản xuyên biên giới của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).

Một số nhà phân tích cho rằng việc sử dụng các công cụ này có thể phản tác dụng, gây tổn hại đến nền kinh tế Mỹ, nhưng không thể loại trừ khả năng chính quyền Trump sẽ thử nghiệm các biện pháp quyết liệt hơn nếu mục tiêu giảm thâm hụt thương mại không đạt được. Việc Trung Quốc tung đòn trả đũa ngày 4-4 khiến thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm điểm đã làm gia tăng áp lực lên Nhà Trắng.

“Ông Trump có thể sẽ đưa ra những sáng kiến táo bạo, kể cả khi chúng không có cơ sở kinh tế rõ ràng,” giáo sư Barry Eichengreen thuộc Đại học California, Berkeley nhận định.

Trong nỗ lực tái cân bằng thương mại, một đề xuất từng xuất hiện trong tài liệu của ông Stephen Miran – ứng viên được ông Trump đề cử cho vị trí lãnh đạo Hội đồng Cố vấn Kinh tế – là thiết lập một hiệp ước kiểu “Mar-a-Lago” nhằm thúc đẩy các ngân hàng trung ương nước ngoài tăng giá nội tệ, qua đó làm suy yếu đồng USD.

Tuy nhiên, theo ông Maurice Obstfeld, chuyên gia kinh tế tại Viện Peterson, kế hoạch này khó thành công bởi điều kiện kinh tế – chính trị hiện tại không còn phù hợp như thời kỳ Thỏa thuận Plaza năm 1985. Hơn nữa, các nền kinh tế lớn như Nhật Bản, châu Âu hay Trung Quốc khó có thể chấp nhận tăng lãi suất và đối mặt với nguy cơ suy thoái chỉ để điều chỉnh cán cân thương mại với Mỹ.

Nếu không đạt được đồng thuận từ các đối tác, Washington có thể chọn phương án cứng rắn hơn, ví dụ như cắt quyền tiếp cận USD của các ngân hàng trung ương nước ngoài thông qua các kênh hỗ trợ từ FED. Dù FED là một cơ quan độc lập, việc Tổng thống Trump liên tục can thiệp vào nhân sự cấp cao đã làm dấy lên nghi ngại về khả năng ông sẽ dùng ảnh hưởng chính trị để tác động đến các quyết định tài chính.

Theo ông Spyros Andreopoulos, chuyên gia tại hãng tư vấn Thin Ice Macroeconomics, “không còn là điều viển vông khi nghĩ rằng ông Trump có thể sử dụng hệ thống tài chính toàn cầu như một công cụ đàm phán chiến lược”.

Ngoài ra, các tập đoàn thẻ thanh toán quốc tế như Visa và Mastercard – đang kiểm soát phần lớn giao dịch tại khu vực đồng euro – cũng có thể bị chính quyền Mỹ tận dụng để tạo áp lực. Nếu bị buộc phải hạn chế dịch vụ, hệ thống tiêu dùng tại châu Âu sẽ gặp rối loạn, buộc người dân quay về với tiền mặt hoặc các phương thức thanh toán chậm chạp hơn.

Dù EU đang cân nhắc các phương án đối phó, nhưng việc đáp trả lại Mỹ, như áp thuế hoặc hạn chế ngân hàng Mỹ tại thị trường châu Âu, không dễ dàng do mối liên kết sâu rộng của thị trường tài chính toàn cầu và nguy cơ bị trả đũa khiến các ngân hàng châu Âu chịu thiệt hại.

🔔 Xem thêm các tin tức sự kiện nổi bật
📞 Liên hệ
🔗 Website tương tự

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *