Đầu tàu kinh tế EU đối mặt hiểm họa khi Nga cắt nguồn khí đốt

Đầu tàu kinh tế EU đối mặt hiểm họa khi Nga cắt nguồn khí đốt.
Châu Âu đang trải qua tình trạng thiếu hụt khí đốt trầm trọng khi các kho dự trữ giảm với tốc độ nhanh nhất trong vòng 7 năm qua. Theo dữ liệu từ Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu (GIE) do Bloomberg tổng hợp, mức dự trữ khí đốt hiện đã giảm 25% so với đỉnh điểm trước đó, khiến khu vực này đứng trước nguy cơ khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng.

Đầu tàu kinh tế EU đối mặt hiểm họa khi Nga cắt nguồn khí đốt
Nga vượt Mỹ trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn thứ 2 cho Liên minh châu Âu.

Nhiệt độ hạ thấp đột ngột vào cuối tuần qua đã khiến các kho dự trữ khí đốt trên khắp châu Âu chỉ còn hơn 70% dung lượng. Tình trạng băng giá được dự báo sẽ tiếp diễn từ Tây Ban Nha tới Ba Lan và Ukraine trong tuần tới, làm gia tăng nhu cầu tiêu thụ khí đốt. Điều này đẩy giá khí đốt lên mức cao nhất trong hơn một năm, với mức tăng 4% chỉ trong tuần trước.

Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, ghi nhận mức giảm dự trữ khí đốt đáng kể nhất, từ 81% xuống còn 78% chỉ trong một tuần. Tình hình tại Pháp và Anh cũng không mấy khả quan, với mức dự trữ lần lượt ở mức 57% và 55%, thấp hơn nhiều so với trung bình 5 năm qua.

Các nhà kinh tế cảnh báo, nếu mức dự trữ tiếp tục giảm, giá khí đốt có thể duy trì ở mức cao trong suốt mùa hè khi các quốc gia nỗ lực bổ sung kho dự trữ. Điều này sẽ gây ra những tác động nặng nề cho Đức, quốc gia có ngành công nghiệp sản xuất tiêu thụ nhiều năng lượng.

Hamad Hussain, chuyên gia tại Capital Economics, nhận định: “Việc dự trữ khí đốt giảm mạnh trong mùa đông sẽ khiến nhu cầu vẫn cao vào mùa xuân và mùa hè. Điều này hạn chế khả năng giảm giá khí đốt trong năm nay, gây áp lực lớn lên nền kinh tế, đặc biệt là ở các nước công nghiệp như Đức”.

Samantha Dart, chuyên gia từ Goldman Sachs, cũng cảnh báo: “Mức dự trữ thấp vào cuối tháng 3 sẽ khiến châu Âu khó đạt được mục tiêu lấp đầy kho trước mùa đông tới, nhất là nếu thời tiết lạnh hơn dự báo”.

Bị châu Âu gây áp lực từ bỏ khí đốt Nga, quốc gia thành viên NATO

Châu Âu đã phải đối mặt với hiện tượng “Dunkelflaute” vào cuối năm ngoái, khi thời tiết ít gió và nhiều mây làm giảm sản xuất năng lượng tái tạo. Điều này buộc khu vực phải dựa nhiều hơn vào khí đốt, gây áp lực lớn lên nguồn cung.

Việc Ukraine đóng cửa tuyến đường ống dẫn khí cuối cùng cho phép Nga xuất khẩu khí đốt sang châu Âu đã làm trầm trọng thêm tình trạng khan hiếm. Thỏa thuận trung chuyển khí đốt qua tuyến Urengoy-Pomary-Uzhhorod cũng hết hạn, dấy lên lo ngại về nguồn cung khí đốt cho các nước vẫn phụ thuộc vào năng lượng từ Nga.

Gazprom, nhà cung cấp khí đốt lớn nhất Nga, được cho là đã bán khoảng 6 tỷ USD khí đốt qua Ukraine trong năm 2024. Việc mất đi tuyến đường này không chỉ gây thiệt hại kinh tế cho Nga mà còn đẩy giá khí đốt tăng cao trên khắp châu Âu.

Tatiana Orlova, chuyên gia tại Oxford Economics, nhận định rằng châu Âu vẫn chưa thể thoát khỏi sự phụ thuộc vào khí đốt Nga, dù các nỗ lực chuyển đổi sang LNG và năng lượng tái tạo đã được tăng cường. “Các quốc gia châu Âu có thể sẽ buộc phải mua thêm khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Nga để bù đắp cho sự sụt giảm nguồn cung”, bà cảnh báo.

Khủng hoảng năng lượng này không chỉ thử thách khả năng phục hồi của nền kinh tế Đức mà còn làm lộ rõ những yếu kém trong chiến lược năng lượng của châu Âu. Nếu không tìm được giải pháp kịp thời và bền vững, các quốc gia trong khu vực sẽ đối mặt với một mùa đông khắc nghiệt hơn, kéo theo nguy cơ suy thoái kinh tế sâu rộng.

🔗 Xem tin tức Website liên kết

🔗 Tin tức liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *