Nhìn lại 10 sự kiện tin tức nổi bật ở Việt Nam trong năm 2024

10 sự kiện nổi bật 2024
10. Hiện tượng Thích Minh Tuệ gây xôn xao xã hội

10 sự kiện nổi bật 2024

Mạng xã hội Việt Nam năm qua xôn xao với hình ảnh nhà sư chân trần, mặc áo vá, tay ôm nồi cơm điện đi bộ hành. Ông Thích Minh Tuệ, thế danh là Lê Anh Tú, nói mình tu theo hạnh đầu đà – một lối tu khổ hạnh trong Phật giáo – và đã ba lần đi bộ từ Nam ra Bắc và ngược lại. Trong khi đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng ông Lê Anh Tú ‘không phải là tu sĩ Phật giáo và không là nhân sự của bất cứ ngôi chùa, cơ sở tự viện nào của Giáo hội’. Lối tu khổ hạnh và hành trình gian nan của ông đã khơi dậy sự tôn kính của đông đảo người dân. Ở mỗi nơi ông đi qua đều có đám đông, có khi lên đến cả ngàn người, đến đảnh lễ, cúng dường, quay phim, chụp ảnh phát lên mạng xã hội. thậm chí có người còn tháp tùng ông trong hành trình, gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự tại các địa phương. Đến tháng 6, ông quyết định dừng bộ hành để trở về quê nhà ở tỉnh Gia Lai, để ẩn tu. Tuy nhiên, mỗi ngày vẫn có cả ngàn người tìm chòi rẫy nơi ông ẩn tu để gặp ông, khiến ông quyết định ngừng khất thực vào giữa tháng 11. Ông đã lên đường bộ hành để hành hương đến đất Phật ở Ấn Độ kể từ ngày 12 tháng 12 với hành trình băng qua năm quốc gia.

9. Các nhân vật bất đồng nổi bật bị bắt và được thả

Trong hồ sơ dân chủ-nhân quyền, trong năm 2024 nhà cầm quyền Việt Nam đã không lơi lỏng trấn áp đồng thời cũng thả trước thời hạn một số nhân vật bất đồng nổi bật. Ngay trước thềm chuyến đi của Tổng bí thư-Chủ tịch nước Tô Lâm đến New York dự kỳ họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc và gặp bên lề Tổng thống Mỹ Joe Biden, ông Trần Huỳnh Duy Thức, một trong những tù nhân chính trị bị mức án nặng nhất Việt Nam, hôm 21 tháng 9 đã được thả trước thời hạn 8 tháng sau khi đã thụ án hơn 15 năm. Cùng được thả với ông Thức còn có bà Hoàng Thị Minh Hồng, nhà hoạt động môi trường bị tuyên ba năm tù về tội trốn thuế và đã thụ án được một năm. Bên cạnh việc thả, hồi tháng 6 Hà Nội cũng bắt giữ hai tiếng nói chỉ trích được nhiều người biết đến là nhà báo Trương Huy San, tức blogger Huy Đức, và luật sư Trần Đình Triển với cùng cáo buộc là ‘Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân’. Trong khi đó, nhà báo Nguyễn Vũ Bình, người viết về các vấn đề tham nhũng, đất đai và môi trường, hồi tháng 9 đã bị tuyên án bảy năm tù về tội ‘Tuyên truyền chống Nhà nước’ sau khi đã bi tuyên án năm năm tù về tội ‘Làm, lưu trữ và phát tán tài liệu chống đối’ hồi tháng 8.

8. Bão Yagi và lũ lụt tàn phá các tỉnh miền Bắc

Bão Yagi, mà Việt Nam đánh dấu là bão số 3, hôm 7 tháng 9 đã đổ bộ vào các tỉnh ven biển Quảng Ninh và Hải Phòng trước khi quần thảo thủ đô Hà Nội. Đây là cơn bão mạnh nhất châu Á trong năm 2024 và mạnh nhất Việt Nam trong vòng 30 năm qua, làm cho đường phố tan hoang, cây cối đổ rạp, nhà cửa tốc mái ở những nơi mà nó quét qua. Tuy nhiên, tai hại hơn nữa, mưa lớn trong nhiều ngày sau đó do ảnh hưởng của hoàn lưu bão đã nhấn chìm các tỉnh phía bắc, gây lũ quét, sạt lở đất, thậm chí là sập một cây cầu ở tỉnh Phú Thọ, khiến nhiều người thương vong. Cá biệt có những nơi như Làng Nủ ở tỉnh Lào Cai đã bị lũ quét sạch hoàn toàn vào rạng sáng ngày 10 tháng 9 khiến cho hơn 100 người chết và mất tích. Có đến 20 trong tổng số 25 tỉnh, thành miền bắc đã bị ngập lụt, trong đó Hà Nội đã phải di dời dân ven bãi sông Hồng khi mực nước dâng cao. Cho đến cuối tháng 9, giới chức Việt Nam đã thống kê có 334 người chết và mất tích, thiệt hại sơ bộ là trên 81.000 tỉ đồng, tức khoảng 3,3 tỷ đô la Mỹ, và GDP cả năm ước tính giảm 0,15%. Cơ quan thường trú Liên Hợp Quốc ước tính Việt Nam cần gần 54.000 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.

7. Thêm đối tác chiến lược toàn diện được thiết lập

Chỉ trong một năm, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với ba nước, nhiều nhất từ trước đến nay, đưa tổng số nước có mức độ quan hệ này với Hà Nội lên chín. Trước tiên là Úc nhân chuyến thăm Canberra của Thủ tướng Phạm Minh Chính hồi tháng 3, kế đó là Pháp trong tháng 10 và Malaysia trong tháng 11 nhân chuyến công du cấp nhà nước của Tổng bí thư Tô Lâm đến hai nước này. Theo đó, Pháp đã trở thành nước Châu Âu đầu tiên và Malaysia là nước Đông Nam Á đầu tiên có khuôn khổ quan hệ cao nhất với Hà Nội. Các mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Úc, Pháp và Malaysia bao trùm các lĩnh vực chính trị, kinh tế, đầu tư, an ninh, quốc phòng, đổi mới sáng tạo, hợp tác biển và cả tranh chấp Biển Đông… Cả ba nước này đều ủng hộ cách tiếp cận của Việt Nam là tôn trọng luật pháp quốc tế và giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trong khi bày tỏ mong muốn Biển Đông cũng như khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và được tự do giao thương. Trước ba nước này, Hà Nội đã có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản.

6. Trương Mỹ Lan bị đưa ra xét xử trong hai đại án

Trong năm 2024 đã diễn ra phiên tòa xét xử vụ án kinh tế lớn nhất lịch sử Việt Nam. Nữ tỷ phú Trương Mỹ Lan, chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đã ra tòa trong hai vụ án riêng rẽ. Vụ án thứ nhất là vụ bà Lan rút ruột ngân hàng SCB được xử sơ thẩm từ tháng 2 đến tháng 4 với kết quả là bà bị tuyên tử hình cho tội ‘Tham ô’ và hai án đồng mức 20 năm tù cho hai tội ‘Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng’ và ‘Đưa hối lộ’, đồng thời phải bồi thường 27 tỷ đô la cho ngân hàng này. Đến phiên phúc thẩm từ tháng 11 đến tháng 12, mặc dù bà Lan được cho là đã ăn năn hối cải, thừa nhận tội trạng, thành khẩn khai báo và tích cực khắc phục hậu quả nhưng chỉ được giảm bốn năm tù, còn án tử hình vẫn giữ nguyên cho đến khi bà khắc phục được ít nhất ba phần tư thiệt hại. Trong vụ án thứ hai được xử sơ thẩm từ tháng 9 đến tháng 10, bà Lan bị cáo buộc ‘Lừa đảo chiếm đoạt tài sản’ vì đã thông qua SCB phát hành trái phiếu rác để lừa đảo gần 1,2 tỉ đô la của 36.000 nạn nhân khắp cả nước. Bà đã bị tuyên án chung thân và có trách nhiệm bồi thường các nạn nhân. Ngoài ra, bà còn bị kêu án 12 năm tù cho tội ‘Rửa tiền’ và tám năm tù về tội ‘Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới’.

5. Nhiều nhân sự mới trong tứ trụ, Bộ Chính trị

Hàng ngũ lãnh đạo của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong năm 2024 đã có những xáo trộn lớn sau các vụ từ chức gây sốc, khiến Đảng phải tìm người thế vào các chức vụ bỏ trống trong bối cảnh Bộ Chính trị đã mất gần một nửa số thành viên – nhiều nhất từ trước đến nay. Hồi tháng 5, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn được đôn lên làm Chủ tịch Quốc hội thay ông Vương Đình Huệ đồng thời Bộ trưởng Công an Tô Lâm trở thành Chủ tịch nước thay ông Võ Văn Thưởng. Trước đó tại hội nghị trung ương 9 cũng trong tháng 5, ông Lương Cường, chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, đã được chỉ định thay bà Trương Thị Mai làm Thường trực Ban bí thư. Sau khi ông Tô Lâm được bầu làm Tổng bí thư vào tháng 8, đến cuối tháng 10 ông đã nhường chức chủ tịch nước lại cho ông Lương Cường, người sau đó cũng đã bàn giao lại chức Thường trực Ban bí thư cho Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú. Hội nghị Trung ương 9 cũng đã bầu bổ sung 4 ủy viên Bộ Chính trị bao gồm các ông Lê Minh Hưng, Nguyễn Trọng Nghĩa, Đỗ Văn Chiến và bà Bùi Thị Minh Hoài. Đến tháng 8 đến lượt ông Lương Tam Quang, tân bộ trưởng Công an đồng thời là người thân tín của ông Tô Lâm, được vào Bộ Chính trị.

4. Hàng loạt lãnh đạo hàng đầu bị mất chức, kỷ luật

Năm 2024 cũng là năm chứng kiến các lãnh đạo trong hàng ngũ Bộ Chính trị ngã ngựa nhiều nhất từ trước đến nay, trong đó có cả chức vụ tứ trụ, bắt đầu với Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh hồi tháng 1, sau đó đến Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trong tháng 3, rồi đến Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong tháng 4, đến tháng 5 là Thường trực Ban bí thư Trương Thị Mai rồi qua tháng 6 đến lượt Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng đã chịu cùng số phận trong năm trước đó. Tất cả những vị này đều được cho là đã ‘nhận thức trách nhiệm nên đã có đơn xin thôi tất cả các chức vụ’ trong khi sai phạm của họ không hề được nói rõ mà ghi theo khuôn mẫu chung chung là ‘vi phạm những điều đảng viên không được làm, quy định về trách nhiệm nêu gương, gây hậu quả nghiêm trọng’. Họ ra đi sau khi công an mở rộng điều tra các vụ án kinh tế tại các tập đoàn như Phúc Sơn, Thuận An, Việt Á… Mặc dù đã được cho ‘hạ cánh an toàn’ nhưng đến cuối năm nay, lần lượt các ông Huệ, ông Phúc và bà Mai đều bị nhận các mức án kỷ luật của Đảng trong khi ông Thưởng được tạm tha do đang chữa bệnh.

3. Đảng phát động cuộc ‘cách mạng’ tinh gọn bộ máy

Dưới sự chỉ đạo của tân Tổng bí thư Tô Lâm, hồi cuối tháng 11 Trung ương Đảng đã họp hội nghị bất thường để tuyên bố thực hiện ‘cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy’, vấn đề được nhiều khóa trước nêu ra nhưng chưa thực hiện được. Đảng xác định đây là ‘nhiệm vụ đặc biệt quan trọng’ cần sự thống nhất rất cao trong toàn bộ hệ thống chính trị và đặt quyết tâm phải thực hiện xong trong quý 1 năm sau. Sau hội nghị Trung ương, Đảng và Chính phủ đã liên tục mở các hội nghị toàn quốc để quán triệt cũng như các cuộc họp nội các để triển khai chủ trương này. Bản thân ông Tô Lâm liên tục trong những lần phát biểu trước công chúng cũng nhấn mạnh kiên quyết làm cho được cho dù khó, cho dù có đụng đến tâm tư, tình cảm và quyền lợi con người, đồng thời kêu gọi các cán bộ, công chức Nhà nước hy sinh vì quyền lợi đất nước với lập luận ‘thà ít mà tốt’, ‘nhẹ mới bay cao’. Việc tinh gọn bộ máy sẽ dẫn đến nhiều bộ, ban, ngành ở Việt Nam bị giải thể hay sáp nhập, khiến nhiều quan chức bị mất chức và hàng chục ngàn công nhân viên chức bị sa thải.

2. Bộ trưởng Công an Tô Lâm lên làm Tổng bí thư

Lần đầu tiên trong lịch sử, Đảng Cộng sản Việt Nam có tổng bí thư xuất thân từ công an sau khi ông Tô Lâm được Trung ương Đảng ‘nhất trí suy tôn’ vào vị trí lãnh đạo Đảng thay cho ông Nguyễn Phú Trọng tại một hội nghị bất thường hôm 3 tháng 8. Trước đó, ông Tô Lâm đã trở thành nguyên thủ khi ông được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước hồi tháng 5. Ông Tô Lâm đã rộng đường lên đỉnh quyền lực sau khi ông Trọng qua đời và hàng loạt nhân vật khác vốn được xem là những ứng viên tiềm năng thay ông Trọng bị lật đổ trong các cuộc điều tra chống tham nhũng mà ông Lâm đã giám sát khi còn là bộ trưởng công an. Sau khi trở thành tổng bí thư, ông Lâm cam kết tiếp tục công cuộc đốt lò cũng như di sản đối ngoại của ông Trọng, kêu gọi tháo gỡ ‘điểm nghẽn thể chế’, chống lãng phí và phát động công cuộc tinh gọn bộ máy. Về đối ngoại, ông Lâm đã có các cuộc tiếp xúc và hội đàm song phương với các nguyên thủ Mỹ, Nga và Trung Quốc. Tuy nhiên, tai tiếng ‘ăn bò dát vàng’ cũng như thành tích đàn áp khi còn là bộ trưởng Công an đặt ra dấu hỏi về sự trong sạch của ông cũng như khả năng ông mở rộng tự do, dân chủ cho người dân Việt Nam.

1. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời

Vào cuối tháng 7, người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng qua đời ở tuổi 80 khi đang tại nhiệm, khép lại một nhiệm kỳ tổng bí thư kéo dài 14 năm trải qua liên tục ba khóa 11, 12, 13. Nhiệm kỳ của ông Trọng được ghi dấu bằng công cuộc đấu tranh chống tham nhũng do chính ông phát động và giám sát mà ông cho là ‘không có vùng cấm, không có ngoại lệ’ nhưng đồng thời cũng ‘đánh chuột đừng để vỡ bình’. Ông Trọng được xem là nhà lãnh đạo quyền lực nhất của Việt Nam kể từ Tổng bí thư Lê Duẩn. Ông ra đi để lại di sản sâu đậm cho Việt Nam với hàng trăm quan chức cao cấp, trong đó có cả những lãnh đạo chóp bu, bị mất chức, kỷ luật thậm chí ngồi tù, cùng với chính sách ‘ngoại giao cây tre’ giúp Hà Nội mở rộng quan hệ với nhiều nước lớn. Tuy nhiên, vốn là nhà lý thuyết của Đảng với tư tưởng bảo thủ, giáo điều, thời kỳ nắm quyền của ông Trọng chứng kiến sự gia tăng đàn áp những tiếng nói bất đồng để củng cố sự cai trị của Đảng. Tang lễ ông Trọng là sự kiện hiếm thấy ở Việt Nam khi hàng ngàn người dân đã đứng chật trên các con phố ở Hà Nội để tiễn đưa ông.

Xem thêm: Tin tức sự kiện
Các trang tương tự

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *